Những Lưu Ý Về Quyết Toán Thuế Khi Giải Thể Doanh Nghiệp
Giải thể doanh nghiệp có phải quyết toán thuế không? Nếu có thì cần chuẩn bị những gì? Nếu bạn hiểu được quyết toán thuế khi giải thể doanh nghiệp cần phải làm gì thì bạn sẽ dễ dàng hơn khi thực hiện các thủ tục này. Để hiểu hơn về những thông tin này hãy cùng GMS consulting theo dõi bài viết sau đây nhé!
Mục lục bài viết
Giải thể công ty có phải quyết toán thuế không?
Giải thể doanh nghiệp có phải quyết toán thuế không là vấn đề mà không phải ai cũng biết. Theo quy định của luật doanh nghiệp 2014 thì đây chính là thủ tục bắt buộc cần phải hoàn thành trước khi giải thể doanh nghiệp. Và đây cũng là điều kiện để được công nhận là đã giải thể doanh nghiệp trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.
Vì đây là quy định bắt buộc theo luật cũng như là điều kiện giải thể công ty. Nên việc quyết toán khi giải thể chính là điều mà các công ty phải làm. Mặc dù trên thực thế thì có rất nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc hoàn thành thủ tục này.
>> Xem thêm: Quyết Toán Thuế Thu Nhập Doanh Nghiệp Là Gì? Cần Phải Lưu Ý Những Gì Khi Quyết Toán?
Quyết toán thuế khi giải thể doanh nghiệp cần chuẩn bị những gì?
Vậy quyết toán giải thể doanh nghiệp cần những gì? Khi quyết toán thuế giải thể doanh nghiệp bạn cần phải chuẩn bị các nội dung sau đây:
- Những khoản nợ với đối tác kinh doanh, nợ lương công nhân, nợ tiền bảo hiểm xã hội,… và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết. Các chủ doanh nghiệp có thể làm kế hoạch xin được trả nợ trong vòng 6 tháng kể từ ngày công ty giải thể.
- Doanh nghiệp hoạt động về lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu thì cần phải gửi công văn yêu cầu đến Cục Hải quan, nơi có trụ sở chính trực thuộc để xác nhận việc không còn nợ thuế xuất nhập khẩu nữa.
- Các doanh nghiệp cần phải gửi công văn tới cơ quan thuế đề nghị việc kiểm tra quyết toán của đơn vị mình ở cơ quan quản lý thuế trực tiếp.
- Các doanh nghiệp cần phải tiến hành quyết toán những khoản thuế đã phát sinh trong suốt quá trình hoạt động cũng như trong quá trình quyết toán thuế.
- Doanh nghiệp cũng cần phải tiến hành nộp các khoản thuế, thực hiện đóng mã số thuế để có thể hoàn tất các thủ tục quyết toán.
>> Xem thêm: Dịch Vụ Quyết Toán Thuế Cuối Năm Uy Tín, Chuyên Nghiệp Tại TPHCM
Các trường hợp giải thể không cần quyết toán thuế
Căn cứ pháp lý
- Nghị định số 91/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều tại các nghị định quy định về thuế
- Thông tư số 151/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành nghị định số 91/2014/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại các nghị định quy định về thuế.
Các trường hợp giải thể doanh nghiệp không cần quyết toán
Những doanh nghiệp giải thể được miễn quyết toán thuế là những doanh nghiệp thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 8 Điều 16 Thông tư 151/2014/TT-BTC, gồm có:
1. Doanh nghiệp, tổ chức thuộc diện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ. Đây là đối tượng thực hiện quyết toán thuế theo từng lần phát sinh doanh thu qua mỗi hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ theo quy định của pháp luật. Vì vậy, không cần phải thực hiện quyết toán thuế khi thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp.
2. Doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động nhưng kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đến thời điểm giải thể, chấm dứt hoạt động, doanh nghiệp không phát sinh doanh thu, chưa sử dụng hóa đơn.
3. Doanh nghiệp thuộc diện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo kê khai thực hiện giải thể, chấm dứt hoạt động, nhưng đáp ứng các điều kiện sau:
- Có doanh thu bình quân năm không quá 1 tỷ đồng/năm (tính từ năm chưa được quyết toán hoặc thanh tra, kiểm tra thuế đến thời điểm doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động)
- Doanh nghiệp không bị xử phạt vi phạm pháp luật về hành vi trốn thuế kể từ năm doanh nghiệp chưa được quyết toán thuế hoặc thanh tra, kiểm tra thuế đến thời điểm giải thể, chấm dứt hoạt động
- Số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp tính từ năm chưa được quyết toán, hoặc thanh tra, kiểm tra thuế đến thời điểm giải thể, chấm dứt hoạt động cao hơn số thuế thu nhập doanh nghiệp nếu tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ. Có nghĩa là, doanh nghiệp theo quy định tại điều khoản này đã thực hiện xong nghĩa vụ nộp thuế với cơ quan thuế, vì thế không cần thực hiện quyết toán thuế lần nữa.
Ngoài những trường hợp được quy định tại Thông tư số 151/2014/TT-BTC nêu trên, trường hợp doanh nghiệp mặc dù thuộc diện phải quyết toán thuế giải thể doanh nghiệp, nhưng đã chủ động thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ tài chính với chủ nợ cũng không cần phải thực hiện thủ tục quyết toán thuế nữa.
Và Bộ Tài chính cũng quy định rõ, trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ do người nộp thuế gửi, cơ quan Thuế xác nhận việc doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế giải thể doanh nghiệp
Theo khoản 8 Điều 208 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định việc giải thể doanh nghiệp thực hiện theo hai phương thức:
- Trường hợp giải thể theo hồ sơ, Điều 59 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP quy định sau khi nhận được hồ sơ giải thể của doanh nghiệp, cơ quan đăng ký kinh doanh gửi thông tin về việc doanh nghiệp đăng ký giải thể cho cơ quan thuế. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin của cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế gửi ý kiến về việc giải thể của doanh nghiệp đến cơ quan đăng ký kinh doanh.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ giải thể, Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
- Trường hợp giải thể tự động, sau thời hạn 180 ngày, kể từ ngày thông báo tình trạng giải thể doanh nghiệp mà không nhận phản đối của bên có liên quan bằng văn bản, cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi cơ quan thuế sẽ phải khẩn trương thực hiện thủ tục quyết toán thuế cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng bổ sung quy định về giải thể doanh nghiệp trong trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc theo quyết định của Tòa án.
Thủ tục quyết toán thuế để giải thể doanh nghiệp
Nộp hồ sơ xin giải thể doanh nghiệp
Doanh nghiệp cần phải chuẩn bị hồ sơ dựa vào những yêu cầu của Cục thuế yêu cầu. Nhưng cơ bản thì hồ sơ giải thể doanh nghiệp sẽ bao gồm:
- Công văn xin giải thể doanh nghiệp
- Xác nhận không còn nợ thuế của tổng cục hải quan (đối với những ngành nghề hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu)
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận đăng ký thuế có công chứng.
- Quyết định giải thể doanh nghiệp và biên bản cuộc họp cổ đông (đối với doanh nghiệp là công ty cổ phần hay công ty TNHH hai thành viên trở lên)
Thời hạn nộp hồ sơ: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày thông qua quyết định giải thể.
Thời hạn giải quyết hồ sơ: 03 ngày làm việc kể từ ngày hồ sơ được tiếp nhận trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Chuẩn bị hồ sơ quyết toán giải thể doanh nghiệp
Sau khi đã nộp hồ sơ xin giải thể và nhận thông báo đã được chấp nhận từ cơ quan thuế. Thì doanh nghiệp sẽ có 45 ngày để nộp các hồ sơ quyết toán thuế. Và trong khoảng thời gian này thì doanh nghiệp cần phải bổ sung toàn bộ báo cáo kể từ thời điểm xin giải thể.
- Tờ khai thuế GTGT
- Báo cáo về tình hình sử dụng hóa đơn
- Tờ khai khấu trừ thuế TNCN
- Báo cáo tài chính đến thời điểm giải thể, chấm dứt kinh doanh
- Tờ khai quyết toán thuế TNDN và TNCN
Lưu ý:
- Khi lập báo cáo tài chính thì doanh nghiệp cần phải xử lý số liệu kế toán tại đơn vị
- Nếu như đơn vị còn tài sản cố định, thành phẩm, hàng hóa,… thì cần phải xử lý thanh lý và xuất hóa đơn. Để số dư các tài khoản 211, 151, 155, 156 phải bằng 0
- Xử lý các công nợ của khách hàng, nhà cung cấp và tốt nhất là nên không có số dư công nợ
- Vào thời điểm giải thể, nếu như doanh nghiệp vẫn chưa đóng tài khoản ngân hàng. Doanh nghiệp phải hạch toán số dư tài khoản 112 bằng với số dư tài khoản đã được ngân hàng xác nhận. Đồng thời cùng phải cam kết rằng sẽ không phát sinh thêm khoản tiền nào nữa sau thời điểm giải thể
- Hạch toán nghiệp vụ thu vốn góp của chủ sở hữu
>> Tham khảo ngayDịch vụ Quyết toán thuế doanh nghiệp tại GMS, hỗ trợ thực hiện các công việc liên quan đến quyết toán thuế cho doanh nghiệp
Nhận kết quả, đóng mã số thuế và hoàn tất nghĩa vụ nộp thuế
Sau khi cơ quan thuế có quyết định, doanh nghiệp cần phải bổ sung thêm tiền thuế ở trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận quyết định.
Cơ quan thuế sẽ thực hiện rà soát hết toàn bộ những hồ sơ của công ty. Nhằm đảm bảo rằng công ty đã hoàn thành tất cả các nghĩa vụ nộp thuế cũng như trả kết quả thủ tục để doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục giải thể công ty tại sở kế hoạch và đầu tư.
Và hiện nay thì có một số chi cục thuế lại không trả kết quả bằng bản cứng nữa. Mà kết quả sẽ được đẩy trực tiếp sang sở kế hoạch và đầu tư. Đối với những trường hợp này thì các doanh nghiệp chỉ cần liên lạc với các cán bộ ở chi cục thuế để xin việc xác nhận đã hoàn thành thủ tục mà thôi.
Vừa rồi là một số thông tin về quyết toán thuế khi giải thể công ty mà GMS muốn chia sẻ đến các bạn. Trong trường hợp bạn còn thắc mắc về các vấn đề liên quan đến quyết toán thuế, hồ sơ thủ tục khi giải thể doanh nghiệp thì hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp và hỗ trợ.