dịch vụ kế toán

Tin Tức

Bảng Cân Đối Kế Toán Là Gì? Nguyên Tắc Lập Và Trình Bày Bảng Cân Đối Kế Toán

Báo cáo tài chính được xem là hệ thống thông tin về kinh tế, tài chính nhằm cung cấp cho người sử dụng thông tin về tình hình hoạt động của đơn vị. Báo cáo tài chính được lập vào thời điểm cuối năm gồm hệ thống 4 báo cáo quan trọng: Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ và Bản thuyết minh báo cáo tài chính. Vậy bạn đã hiểu rõ hết về các báo cáo này chưa, đặc biệt là Bảng cân đối kế toán. Tại bài viết này, GMS Consulting sẽ cung cấp cho các bạn những kiến thức về Bảng cân đối kế toán là gì? Nguyên tắc lập và trình bày Bảng cân đối kế toán.

Bảng cân đối kế toán là gì?

Bảng cân đối kế toán (Balance sheet) hay Báo cáo tình hình tài chính (Statement of financial position) được cho là bảng báo cáo tổng hợp về tình hình tài sản và nguồn vốn của đơn vị tại thời điểm lập báo cáo.

  • Theo Uỷ ban chuẩn mực kế toán quốc tế (IASC) cho rằng Bảng cân đối kế toán là báo cáo trình bày tình hình tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu ở thời điểm cuối kỳ báo cáo (IASCF, 2010).
  • Theo US GAAP đã định nghĩa Bảng cân đối kế toán là báo cáo tổng hợp phản ánh tổng quát về tài sản và nguồn vốn của đơn vị tại một thời điểm.
  • Theo thông tư số 200/2014/TT-BTC của Bộ Tài Chính, Bảng cân đối kế toán là Báo cáo tài chính tổng hợp, phản ánh tổng quát toàn bộ giá trị tài sản hiện có và nguồn hình thành tài sản đó của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định.Bảng cân đối kế toán là gì

Xem thêm:

Bảng cân đối kế toán thể hiện điều gì?

Theo định nghĩa về Bảng cân đối kế toán được nêu trên, những số liệu trên Bảng cho biết toàn bộ giá trị tài sản hiện có của doanh nghiệp theo cơ cấu của tài sản và cơ cấu nguồn vốn hình thành các tài sản đó. Căn cứ vào Bảng cân đối kế toán có thể nhận xét, đánh giá khái quát tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Cơ sở lập Bảng cân đối kế toán

  • Căn cứ vào sổ kế toán tổng hợp;
  • Căn cứ vào sổ, thẻ kế toán chi tiết hoặc Bảng tổng hợp chi tiết;
  • Căn cứ vào Bảng cân đối kế toán năm trước (để trình bày cột đầu năm).

Nguyên tắc lập và trình bày

Đơn vị phải lập và trình bày Bảng cân đối kế toán tuân thủ theo quy định chung tại Chuẩn mực kế toán “Trình bày Báo cáo tài chính” (VAS 01). Ngoài ra còn phải trình bày các khoản mục Tài sản và Nợ phải trả riêng biệt thành ngắn hạn và dài hạn tùy theo thời hạn của chu kỳ kinh doanh bình thường của doanh nghiệp như:

  • Doanh nghiệp có chu kỳ kinh doanh bình thường trong vòng 12 tháng:
      • Tài sản và Nợ phải trả được xếp vào loại Ngắn hạn khi có thời gian thu hồi hay thanh toán trong vòng không quá 12 tháng.
      • Tài sản và Nợ phải trả được xếp vào loại Dài hạn khi có thời gian thu hồi hay thanh toán dài hơn 12 tháng
  • Doanh nghiệp có chu kỳ kinh doanh bình thường dài hơn 12 tháng:
      • Tài sản và Nợ phải trả được xếp vào loại Ngắn hạn khi có thời gian thu hồi hay thanh toán trong vòng 1 chu kỳ kinh doanh bình thường
      • Tài sản và Nợ phải trả được xếp vào loại Dài hạn khi có thời gian thu hồi hay thanh lý hơn 1 chu kỳ kinh doanh bình thường

Đối với các doanh nghiệp có tính chất hoạt động không thể dựa vào chu kỳ kinh doanh do không thể xác định rõ ràng được chu kỳ kinh doanh, chẳng hạn như các tổ chức tài chính, việc trình bày các tài sản và nợ phải trả theo thứ tự tính thanh khoản tăng hoặc giảm dần sẽ cung cấp thông tin đáng tin cậy và phù hợp hơn so với việc trình bày ngắn hạn/dài hạn.

Đối với các chỉ tiêu không có số liệu, doanh nghiệp được phép miễn trình bày trên Bảng cân đối kế toán và chủ động đánh số thứ tự của các chỉ tiêu theo nguyên tắc liên tục.

Nội dung và phương pháp lập các chỉ tiêu trong bảng

Tài sản ngắn hạn

Tài sản ngắn hạn phản ánh tổng giá trị tiền, các khoản tương đương tiền và các tài sản ngắn hạn khác có thể chuyển đổi thành tiền, có thể bán hay sử dụng trong vòng không quá 12 tháng hoặc một chu kỳ kinh doanh bình thường của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo (Thông tư số 200//2014/TT-BTC của Bộ Tài Chính).

Tiền và các khoản tương đương tiền

Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ số tiền và các khoản tương đương tiền hiện có của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo, gồm: Tiền mặt tại quỹ, tiền gửi ngân hàng (không kỳ hạn), tiền đang chuyển và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp.

+ Tiền

Là chỉ tiêu phản ánh toàn bộ số tiền hiện có của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo, gồm: Tiền mặt tại quỹ của doanh nghiệp, tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn và tiền đang chuyển.

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Tiền” là tổng số dư Nợ của các Tài khoản 111 “Tiền mặt”, 112 “Tiền gửi ngân hàng” và 113 “Tiền đang chuyển”.

+ Các khoản tương đương tiền

Là chỉ tiêu phản ánh các khoản đầu tư ngắn hạn có thời hạn thu hồi không quá 3 tháng kể từ ngày đầu tư có khả năng chuyển đổi dễ dàng thành một lượng tiền xác định và không có rủi ro trong việc chuyển đổi thành tiền tại thời điểm báo cáo.

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ chủ yếu vào số dư Nợ chi tiết của tài khoản 1281 “Tiền gửi có kỳ hạn” (chi tiết các khoản tiền gửi có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng) và tài khoản 1288 “Các khoản đầu tư khác nắm giữ đến ngày đáo hạn”. Các khoản tương đương tiền có thể bao gồm: Kỳ phiếu ngân hàng, tín phiếu kho bạc, tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng…

Đầu tư tài chính ngắn hạn

Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh tổng giá trị của các khoản đầu tư ngắn hạn (sau khi đã trừ đi dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh), bao gồm: Chứng khoán nắm giữ vì mục đích kinh doanh, các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn và các khoản đầu tư khác có kỳ hạn còn lại không quá 12 tháng kể từ thời điểm báo cáo.

Các khoản phải thu ngắn hạn

Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ giá trị của các khoản phải thu ngắn hạn có kỳ hạn thu hồi còn lại không quá 12 tháng hoặc trong một chu kỳ kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo (sau khi trừ đi dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi), như: Phải thu của khách hàng, trả trước cho người bán, phải thu nội bộ, phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng, phải thu về cho vay và phải thu ngắn hạn khác.

Hàng tồn kho

Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ giá trị hiện có các loại hàng tồn kho dự trữ cho quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (sau khi trừ đi dự phòng giảm giá hàng tồn kho) đến thời điểm báo cáo.

+ Hàng tồn kho

Chỉ tiêu này phản ánh tổng giá trị của hàng tồn kho thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp, được luân chuyển trong một chu kỳ kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo. Chỉ tiêu này không bao gồm giá trị chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn và giá trị thiết bị, vật tư, phụ tùng thay thế dài hạn. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Nợ của các tài khoản 151 – “Hàng mua đang đi đường”, tài khoản 152 – “Nguyên liệu, vật liệu”, tài khoản 153 – “Công cụ, dụng cụ”, tài khoản 154 – “Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang”, tài khoản 155 – “Thành phẩm”, tài khoản 156 – “Hàng hoá”, tài khoản 157 – “Hàng gửi đi bán”, tài khoản 158 – “Hàng hoá kho bảo thuế”.

+ Dự phòng giảm giá hàng tồn kho

Chỉ tiêu này phản ánh khoản dự phòng giảm giá của các loại hàng tồn kho tại thời điểm báo cáo sau khi trừ số dự phòng giảm giá đã lập cho các khoản chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của Tài khoản 2294 “Dự phòng giảm giá hàng tồn kho”, chi tiết dự phòng cho các khoản mục được trình bày là hàng tồn kho trong chỉ tiêu Mã số 141 và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn: (…).

Tài sản ngắn hạn khác

Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh tổng giá trị các tài sản ngắn hạn khác có thời hạn thu hồi hoặc sử dụng không quá 12 tháng tại thời điểm báo cáo, như chi phí trả trước ngắn hạn, thuế GTGT còn được khấu trừ, các khoản thuế phải thu, giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ và tài sản ngắn hạn khác tại thời điểm báo cáo.

Tài sản dài hạn

Chỉ tiêu này phản ánh trị giá các loại tài sản không được phản ánh trong chỉ tiêu tài sản ngắn hạn như: Các khoản phải thu dài hạn, tài sản cố định, bất động sản đầu tư, các khoản đầu tư tài chính dài hạn và tài sản dài hạn khác.

– Các khoản phải thu dài hạn

Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ giá trị của các khoản phải thu có kỳ hạn thu hồi trên 12 tháng hoặc hơn một chu kỳ sản xuất, kinh doanh tại thời điểm báo cáo, như: Phải thu của khách hàng, vốn kinh doanh ở đơn vị trực thuộc, phải thu nội bộ, phải thu về cho vay, phải thu khác (sau khi trừ đi dự phòng phải thu dài hạn khó đòi).

– Tài sản cố định hữu hình

Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ giá trị còn lại của các loại tài sản cố định hữu hình tại thời điểm báo cáo.

Đối với nguyên giá TSCĐ phản ánh toàn bộ nguyên giá các loại tài sản cố định hữu hình tại thời điểm báo cáo, số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Nợ của Tài khoản 211 “Tài sản cố định hữu hình”.

Đối với giá trị hao mòn lũy kế phản ánh toàn bộ giá trị đã hao mòn của các loại TSCĐ hữu hình lũy kế tại thời điểm báo cáo, số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của Tài khoản 2141 “Hao mòn TSCĐ hữu hình” và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…)..

– Tài sản cố định thuê tài chính

Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ giá trị còn lại của các loại tài sản cố định thuê tài chính tại thời điểm báo cáo. Đối với nguyên giá TSCĐ và giá trị hao mòn lũy kế tương tự như TSCĐ hữu hình

– Tài sản cố định vô hình

Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ giá trị còn lại của các loại tài sản cố định vô hình tại thời điểm báo cáo. Đối với nguyên giá TSCĐ và giá trị hao mòn lũy kế tương tự như TSCĐ hữu hình

– Bất động sản đầu tư

Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ giá trị còn lại của các loại bất động sản đầu tư tại thời điểm báo cáo. Đối với nguyên giá TSCĐ và giá trị hao mòn lũy kế tương tự như TSCĐ hữu hình

– Tài sản dở dang dài hạn

Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh giá trị chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn và chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn tại thời điểm báo cáo.

– Đầu tư tài chính dài hạn

Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh tổng giá trị các khoản đầu tư tài chính dài hạn tại thời điểm báo cáo (sau khi trừ đi khoản dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác), như: Đầu tư vào công ty con, đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh, đầu tư góp vốn vào đơn vị khác, đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn có kỳ hạn còn lại trên 12 tháng hoặc hơn một chu kỳ sản xuất, kinh doanh.

– Tài sản dài hạn khác

Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh tổng giá trị các tài sản dài hạn khác có thời hạn thu hồi hoặc sử dụng trên 12 tháng tại thời điểm báo cáo, như: Chi phí trả trước dài hạn, tài sản thuế thu nhập hoãn lại và tài sản dài hạn chưa được trình bày ở các chỉ tiêu khác tại thời điểm báo cáo.

Nợ phải trả

– Nợ phải trả ngắn hạn

  • Tổng giá trị các khoản nợ còn phải trả có thời hạn thanh toán không quá 12 tháng hoặc dưới một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường như: các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, phải trả người bán, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước, phải trả người lao động, chi phí phải trả, phải trả nội bộ, doanh thu chưa thực hiện
  • Dự phòng phải trả ngắn hạn: Phản ánh khoản dự phòng cho các khoản dự kiến phải trả không quá 12 tháng hoặc trong chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường

– Nợ phải trả dài hạn

  • Tổng giá trị các khoản nợ còn phải trả có thời hạn thanh toán còn lại từ 12 tháng trở lên hoặc trên một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường như: khoản phải trả người bán, phải trả nội bộ, các khoản phải trả dài hạn khác, vay và nợ thuê tài chính dài hạn
  • Dự phòng phải trả dài hạn: Phản ánh khoản dự phòng cho các khoản dự kiến phải trả dài hạn sau 12 tháng hoặc sau chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường.

Vốn chủ sở hữu

Vốn chủ sở hữu: Các khoản vốn kinh doanh thuộc sở hữu của cổ đông, thành viên góp vốn, như vốn đầu tư của chủ sở hữu, các quỹ trích từ lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, chênh lệch đánh giá lại tài sản, chênh lệch tỷ giá,…

  • Vốn góp của chủ sở hữu: Tổng số vốn đã thực góp các chủ sở hữu vào doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của tài khoản 4111 “Vốn góp của chủ sở hữu”
  • Quỹ đầu tư phát triển: quỹ đầu tư phát triển chưa sử dụng tại thời điểm báo cáo.
  • Qũy khác thuộc vốn chủ sở hữu: số quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu doanh nghiệp trích lập từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hiện có tại thời điểm báo cáo.
  • Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối: số lãi (hoặc lỗ) sau thuế chưa được quyết toán hoặc chưa phân phối tại thời điểm báo cáo.

Mẫu bảng cân đối kế toán

Bảng cân đối kế toán

Bảng cân đối kế toán

Bảng cân đối kế toán

Vừa rồi là những thông tin cơ bản về bảng cân đối kế toán mà GMS Consulting muốn gửi đến các bạn.

Danh mục Tin Tức

GỬI YÊU CẦU LIÊN HỆ