Khu Phi Thuế Quan Là Gì? Những Ưu Và Nhược Điểm Khu Phi Thuế Quan
Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu bảo thuế,… đây chắc chắn là những cụm từ quen thuộc đối với mọi người, đặc biệt là những người lao động. Đây là những khu vực được dọi chung là khu phi thuế quan. Vậy, chúng ta đã thực sự hiểu khu phi thuế quan là gì, những lợi ích và hạn chế khu phi thuế quan mang lại cho chúng ta? Chính vì thế GMS Consulting sẽ giải thích cho bạn hiểu kỹ hơn nhé.
Mục lục bài viết
Khu phi thuế quan là gì?
Theo Khoản 1, Điều 4, Luật Thuế xuất nhập khẩu năm 2016, Khu phi thuế quan là khu vực kinh tế nằm trong lãnh thổ Việt Nam, được thành lập theo quy định của pháp luật, có ranh giới địa lý xác định, ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm điều kiện cho hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và phương tiện, hành khách xuất cảnh, nhập cảnh;
Quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu phi thuế quan với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu.
Theo Điều 2, Quyết định số 100/QĐ-TTg ban hành ngày 30/7/2009, Khu phi thuế quan là khu vực địa lý có ranh giới xác định, được ngăn cách với lãnh thổ bên ngoài bằng hàng rào cứng, có cổng và cửa ra vào bảo đảm điều kiện cho sự kiểm soát của cơ quan Hải quan giám sát, kiểm tra hàng hoá và phương tiện ra vào khu vực.
Khu phi thuế quan bao gồm:
- Khu chế xuất: là khu công nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, thực hiện các dịch vụ sản xuất hàng hoá xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập theo quy định của Chính phủ.
(Hình minh họa: Khu chế xuất Linh Trung)
- Kho bảo thuế: là kho dùng để chứa nguyên liệu, vật tư nhập khẩu đã được thông quan nhưng chưa nộp thuế để sản xuất hàng hóa xuất khẩu của chủ kho bảo thuế (Nguồn: Khoản 9, Điều 4, Luật Hải quan năm 2014)
- Khu bảo thuế: tương tự như kho bảo thuế.
- Kho ngoại quan: là khu vực kho, bãi lưu giữ. Hàng hóa đã làm thủ tục hải quan được gửi để chờ xuất khẩu; Hàng hóa từ nước ngoài đưa vào gửi để chờ xuất khẩu ra nước ngoài hoặc nhập khẩu vào Việt Nam. (Nguồn: Khoản 10, Điều 4, Luật Hải quan năm 2014)
- Khu kinh tế là khu vực có không gian kinh tế riêng biệt, với môi trường đầu tư và kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho các nhà đầu tư, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập theo quy định của Chính phủ. Bao gồm: khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. (Nguồn: Điều 3, Luật Đầu tư số 59/2005QH11)
- Khu công nghiệp là khu chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập theo quy định của Chính phủ.
- Các khu vực kinh tế khác.
(Hình minh họa: Khu công nghiệp Bắc Chu Lai)
Hoạt động trong khu phi thuế quan
- Các hoạt động thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ
- Hoạt động sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp, chế biến hàng hóa.
- Hoạt động khác theo quy định của Luật Thương mại nói riêng và các quy định của pháp luật Việt Nam nói chung.
Quy định về thuế trong khu phi thuế quan
Đối tượng chịu thuế xuất nhập khẩu không áp dụng đối với
- Hàng hóa xuất khẩu từ khu phi thuế quan ra nước ngoài,
- Hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan.
- Hàng hóa được chuyển từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác.
Đối tượng được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 0%
- Hàng hóa, dịch vụ từ các khu chức năng khác trong khu kinh tế cửa khẩu và hàng hóa, dịch vụ từ nội địa Việt Nam xuất khẩu vào khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu.
Ưu điểm của khu phi thuế quan
- Nhờ có khu phi thuế quan góp phần giải quyết được nhu cầu việc làm của người lao động. Ngoài ra còn đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động. Tạo tiềm năng phát triển cho người lao động nước ta phát triển nhiều về kỹ năng và tay nghề.
- Đối với những khu vực khác, khu phi thuế quan được ưu đãi hơn. Cụ thể đó là hàng hóa xuất khẩu từ khu phi thuế quan hoặc nhập khẩu vào khu phi thuế quan để sử dụng ở đó đều không phải chịu thuế xuất nhập khẩu. Hàng hóa, dịch vụ được mua bán giữa nước ngoài với các khu phi thuế quan và giữa các khu phi thuế quan với nhau là Nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng phù hợp với thông lệ quốc tế.
- Nhờ những ưu đãi mà nhà nước đã quy định, doanh nghiệp có thể tiết kiệm được khoản chi phí. Ngoài ra, có thể đưa hàng hóa sản xuất của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài để giới thiệu, tạo cơ hội hội nhập sản phẩm Việt Nam ra quốc tế.
- Các doanh nghiệp trong khu phi thuế quan, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ mới thành lập, có nhiều cơ hội tiếp xúc và giao lưu với những cửa khẩu khác nhau.
Nhược điểm của khu phi thuế quan
- Ảnh hưởng đến hàng hóa nhập khẩu do thuế quá cao làm ảnh hưởng đến việc tiêu thụ hàng hóa, người tiêu dùng khó tiếp cận với hàng hóa nước ngoài.
- Ở khu phi thuế quan các doanh nghiệp đều được hưởng ưu đãi của nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài cũng không ngoại lệ. Làm cho nhiều hàng hóa nước ngoài ngày càng được tiêu thụ nhiều ở Việt Nam, doanh nghiệp trong nước bị tiêu thụ chậm hơn. Tạo sức ép cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.
- Việc kiểm soát giám sát chất lượng sản phẩm ở khu phi thuế quan được thực hiện rất nghiêm ngặt. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng hàng hóa kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn trà trộn vào gây khó khăn trong việc quản lý và mất lòng tin của người tiêu dùng.