Báo Cáo Lưu Chuyển Tiền Tệ Là Gì? Hướng Dẫn Cách Trình Bày Báo Cáo
Để đánh giá khả năng sử dụng tiền từ các hoạt động trong doanh nghiệp như thế nào thì cần phải lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Qua đó, giúp các nhà đầu tư có thể nắm bắt được những khả năng tạo ra các luồng tiền trong quá trình doanh nghiệp hoạt động.
GMS Consulting đã dựa theo chuẩn mực kế toán Việt Nam số 24 – Báo cáo lưu chuyển tiền tệ và thông tư 200/TT-BTC năm 2014 giúp các bạn có thể hiểu hơn về Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là gì cũng như cách trình bày báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
Mục lục bài viết
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là gì ?
Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam số 24: “Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là một bộ phận hợp thành của Báo cáo tài chính, nó cung cấp thông tin giúp người sử dụng đánh giá các thay đổi trong tài sản thuần, cơ cấu tài chính, khả năng chuyển đổi của tài sản thành tiền, khả năng thanh toán và khả năng của doanh nghiệp trong việc tạo ra các luồng tiền trong quá trình hoạt động”.
Xem thêm:
Mục đích lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ nhằm:
- Đánh giá tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trở nên khách quan
- Giúp việc so sánh giữa các doanh nghiệp trở nên dễ dàng hơn dù cho mỗi doanh nghiệp sử dụng các phương pháp kế toán khác nhau cho cùng giao dịch và hiện tượng.
- Là cơ sở xem xét và dự đoán khả năng về số lượng, thời gian và độ tin cậy của các luồng tiền trong tương lai
- Dùng để kiểm tra lại các đánh giá, dự đoán trước đây về các luồng tiền; kiểm tra mối quan hệ giữa khả năng sinh lời với lượng lưu chuyển tiền thuần và những tác động của thay đổi giá cả.
Cơ sở lập báo cáo
Theo điều 114, Thông tư 200 /TT-BTC năm 2014, khi lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, doanh nghiệp thường căn cứ:
- Bảng Cân đối kế toán;
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh;
- Bản thuyết minh Báo cáo tài chính;
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ kỳ trước;
- Các tài liệu kế toán khác, như: Sổ kế toán tổng hợp, sổ kế toán chi tiết các tài khoản “Tiền mặt”, “Tiền gửi Ngân hàng”, “Tiền đang chuyển”; Sổ kế toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết của các tài khoản liên quan khác, bảng tính và phân bổ khấu hao TSCĐ và các tài liệu kế toán chi tiết khác…
Trình bày báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Doanh nghiệp phải trình bày các luồng tiền trong kỳ trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo 3 loại hoạt động: hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính.
Đối với Báo cáo lưu chuyển tiền tệ doanh nghiệp phải chia các luồng tiền theo 3 loại hoạt động:
- Hoạt động kinh doanh
- Hoạt động đầu tư
- Hoạt động tài chính
Tuy nhiên tùy vào đặc điểm kinh doanh mà doanh nghiệp trình bày các luồng tiền từ các hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính theo cách thức phù hợp nhất cho doanh nghiệp mình.
Việc phân loại và báo cáo luồng tiền theo các hoạt động sẽ
- Cung cấp thông tin cho người sử dụng đánh giá được ảnh hưởng của các hoạt động đó đối với tình hình tài chính và đối với lượng tiền và các khoản tương đương tiền tạo ra trong kỳ của doanh nghiệp.
- Cung cấp thông tin cho người sử dụng đánh giá được mối quan hệ tác động lẫn nhau giữa các hoạt động đó trong doanh nghiệp
Một giao dịch đơn lẻ có thể liên quan đến các luồng tiền ở nhiều loại hoạt động khác nhau. Ví dụ, thanh toán một khoản nợ vay bao gồm cả nợ gốc và lãi, trong đó lãi thuộc hoạt động kinh doanh và nợ gốc thuộc hoạt động tài chính.
Luồng tiền từ hoạt động kinh doanh
Luồng tiền phát sinh từ hoạt động kinh doanh là luồng tiền có liên quan đến các hoạt động tạo ra doanh thu chủ yếu của doanh nghiệp:
- Giúp cung cấp thông tin cơ bản để đánh giá khả năng tạo tiền của doanh nghiệp từ các hoạt động kinh doanh nhằm trang trải các khoản nợ, duy trì các hoạt động, trả cổ tức và tiến hành các hoạt động đầu tư mới mà không cần đến các nguồn tài chính bên ngoài.
- Thông tin về các luồng tiền từ hoạt động kinh doanh, khi được sử dụng kết hợp với các thông tin khác, sẽ giúp người sử dụng dự đoán được luồng tiền từ hoạt động kinh doanh trong tương lai.
Theo chuẩn mực kế toán số 24 về Báo cáo Lưu chuyển tiền tệ đã quy định, các luồng tiền chủ yếu từ hoạt động kinh doanh, gồm:
(a) Tiền thu được từ việc bán hàng, cung cấp dịch vụ;
(b) Tiền thu được từ doanh thu khác (tiền thu bản quyền, phí, hoa hồng và các khoản khác trừ các khoản tiền thu được được xác định là luồng tiền từ hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính);
(c) Tiền chi trả cho người cung cấp hàng hóa và dịch vụ;
(d) Tiền chi trả cho người lao động về tiền lương, tiền thưởng, trả hộ người lao động về bảo hiểm, trợ cấp…;
(đ) Tiền chi trả lãi vay;
(e) Tiền chi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp;
(g) Tiền thu do được hoàn thuế;
(h) Tiền thu do được bồi thường, được phạt do khách hàng vi phạm hợp đồng kinh tế;
(i) Tiền chi trả công ty bảo hiểm về phí bảo hiểm, tiền bồi thường và các khoản tiền khác theo hợp đồng bảo hiểm;
(k) Tiền chi trả do bị phạt, bị bồi thường do doanh nghiệp vi phạm hợp đồng kinh tế.
Các luồng tiền liên quan đến mua, bán chứng khoán vì mục đích thương mại được phân loại là các luồng tiền từ hoạt động kinh doanh.
Luồng tiền từ hoạt động đầu tư
Luồng tiền phát sinh từ hoạt động đầu tư là luồng tiền có liên quan đến việc mua sắm, xây dựng, nhượng bán, thanh lý tài sản dài hạn và các khoản đầu tư khác không thuộc các khoản tương đương tiền. Các luồng tiền chủ yếu từ hoạt động đầu tư, gồm:
(a) Tiền chi để mua sắm, xây dựng TSCĐ và các tài sản dài hạn khác, bao gồm cả những khoản tiền chi liên quan đến chi phí triển khai đã được vốn hóa là TSCĐ vô hình;
(b) Tiền thu từ việc thanh lý, nhượng bán TSCĐ và các tài sản dài hạn khác;
(c) Tiền chi cho vay đối với bên khác; tiền chi mua các công cụ nợ của các đơn vị khác, trừ trường hợp tiền chi mua các công cụ nợ được coi là các khoản tương đương tiền và mua các công cụ nợ dùng cho mục đích thương mại;
(d) Tiền thu hồi cho vay đối với bên khác; tiền thu do bán lại các công cụ nợ của đơn vị khác, trừ trường hợp thu tiền từ bán các công cụ nợ được coi là các khoản tương đương tiền và bán các công cụ nợ dùng cho mục đích thương mại;
(đ) Tiền chi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác, trừ trường hợp tiền chi mua cổ phiếu vì mục đích thương mại;
(e) Tiền thu hồi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác, trừ trường hợp tiền thu từ bán lại cổ phiếu đã mua vì mục đích thương mại;
(g) Tiền thu lãi cho vay, cổ tức và lợi nhuận nhận được.
Luồng tiền từ hoạt động tài chính
Luồng tiền phát sinh từ hoạt động tài chính là luồng tiền có liên quan đến việc thay đổi về quy mô và kết cấu của vốn chủ sở hữu và vốn vay của doanh nghiệp. Các luồng tiền chủ yếu từ hoạt động tài chính, gồm:
(a) Tiền thu từ phát hành cổ phiếu, nhận vốn góp của chủ sở hữu;
(b) Tiền chi trả vốn góp cho các chủ sở hữu, mua lại cổ phiếu của chính doanh nghiệp đã phát hành;
(c) Tiền thu từ các khoản đi vay ngắn hạn, dài hạn;
(d) Tiền chi trả các khoản nợ gốc đã vay;
(đ) Tiền chi trả nợ thuê tài chính;
(e) Cổ tức, lợi nhuận đã trả cho chủ sở hữu.
Phương pháp lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Đối với hoạt động kinh doanh
Lập báo cáo đối với luồng tiền từ hoạt động kinh doanh có 2 phương pháp là trực tiếp và gián tiếp
Theo phương pháp trực tiếp
Theo phương pháp trực tiếp: các luồng tiền vào và ra từ hoạt động kinh doanh được xác định và trình bày bằng cách phân tích và tổng hợp trực tiếp các khoản tiền thu vào và chi ra theo từng nội dung thu, chi từ các sổ kế toán tổng hợp và chi tiết của doanh nghiệp.
Theo phương pháp gián tiếp
Theo phương pháp gián tiếp: các luồng tiền vào và ra từ hoạt động kinh doanh (được làm ngược lại với phương pháp trực tiếp) bằng cách tính và xác định điều chỉnh lợi nhuận trước thuế TNDN của hoạt động kinh doanh trừ đi:
- Các khoản mục không phải bằng tiền,
- Các thay đổi trong kỳ của hàng tồn kho,
- Các khoản phải thu, phải trả từ hoạt động kinh doanh
- Các khoản mà ảnh hưởng về tiền của chúng là luồng tiền từ hoạt động đầu tư
Đối với hoạt động đầu tư và tài chính
Luồng tiền từ hoạt động đầu tư và tài chính được lập theo phương pháp trực tiếp hoặc trực tiếp có điều chỉnh:
Theo phương pháp trực tiếp
Các luồng tiền vào và ra trong kỳ từ hoạt động đầu tư và tài chính được xác định bằng cách phân tích và tổng hợp trực tiếp các khoản tiền thu vào và chi ra theo từng nội dung thu, chi từ các ghi chép tại sổ kế toán tổng hợp và chi tiết của doanh nghiệp.
Theo phương pháp trực tiếp có điều chỉnh
Các luồng tiền vào và ra trong kỳ được xác định bằng số chênh lệch giữa số dư cuối kỳ và số dư đầu kỳ của các khoản mục trên Bảng cân đối kế toán có liên quan sau đó điều chỉnh cho ảnh hưởng của các khoản mục phi tiền tệ.
Vừa rồi là những thông tin về báo cáo lưu chuyển tiền tệ mà GMS Consulting muốn gửi đến các bạn. Nếu bạn đang cần tư vấn và giải đáp các vấn đề liên quan đến kế toán tài chính thì hãy liên hệ ngay với chúng tôi. Tại GMS Consulting với đa dạng các loại dịch vụ sẽ giúp giải quyết những vấn đề mà bạn đang gặp phải. Tham khảo ngay: