Chế Độ Kế Toán Là Gì? 5 Chế Độ Kế Toán Hiện Hành Của Doanh Nghiệp Việt Nam
Mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ áp dụng một chế độ kế toán riêng biệt. Chính vì thế, doanh nghiệp cần phải hiểu rõ chế độ kế toán là gì? Những chế độ kế toán hiện hành của doanh nghiệp phổ biến tại Việt Nam là gì? GMS Consulting sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin cơ bản về chế độ kế toán hiện hành áp dụng phù hợp cho mỗi doanh nghiệp.
Chế độ kế toán là gì?
Chế độ kế toán theo quy định tại Luật Kế toán 2015 gồm những quy định và hướng dẫn về kế toán trong một lĩnh vực hoặc một số công việc cụ thể do cơ quan quản lý nhà nước về kế toán hoặc tổ chức được cơ quan quản lý nhà nước về kế toán ủy quyền ban hành.
5 chế độ kế toán hiện hành phổ biến ở Việt Nam
Chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ
Văn bản pháp luật: Áp dụng thông tư 132/2018/TT – BTC
Đối tượng áp dụng: Chế độ kế toán áp dụng cho doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ (trừ doanh nghiệp nhà nước)
– Đối với lĩnh vực xây dựng, thủ công nghiệp, nông lâm thủ sản:
- Bình quân số lao động tham gia bảo hiểm xã hội năm < 10 người
- Tổng doanh thu năm < 3 tỷ đồng hoặc Tổng nguồn vốn < 3 tỷ đồng
– Đối với lĩnh vực thương mại và dịch vụ:
- Bình quan số lao động tham gia bảo hiểm xã hội năm < 10 người
- Tổng doanh thu năm < 10 tỷ đồng hoặc Tổng nguồn vốn < 3 tỷ đồng
Những điểm cần lưu ý
- Đối với doanh nghiệp áp dụng Thông tư 132/2018/TT-BTC kế toán trưởng không bắt buộc phải có.
- Doanh nghiệp siêu nhỏ áp dụng nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp tính theo thu nhập tính thuế hoặc nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ phụ thuộc vào chứng từ kế toán áp dụng phù hợp để đáp ứng yêu cầu quản lý và sản xuất của doanh nghiệp.
- Xây dựng được các biểu mẫu chứng từ kế toán, sổ kế toán nhằm đáp ứng được các đặc điểm hoạt động kinh doanh, miễn là đảm bảo rõ ràng, dễ kiểm tra và kiểm soát
Chế độ kế toán cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Văn bản pháp luật: Áp dụng thông tư 133/2016/TT-BTC
Đối tượng áp dụng: Áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (doanh nghiệp siêu nhỏ cũng có thể áp dụng)
- Đối với mọi lĩnh vực và mọi thành phần kinh tế mà pháp luật có quy định. Trừ các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn sở hữu trên 50% của Nhà nước; công ty áp dụng theo quy định của pháp luật về chứng khoán, các hợp tác xã áp dụng theo quy định của Luật Hợp tác xã.
- Đối với lĩnh vực đặc thù chuyên về dầu khí, điện lực, chứng khoản, bảo hiểm… Bộ Tài Chính đã quy định và ban hành chế độ kế toán cho các đơn vị đặc thù này.
Những điểm cần lưu ý:
- Hướng đến chủ yếu là các nguyên tắc ghi chép sổ sách kế toán và kỹ thuật lập và trình bày trên báo cáo tài chính.
- Chú trọng phục vụ cho việc điều hành và quản trị doanh nghiệp.
- Thông tư này áp dụng khả thi trong thực thế của doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chế độ kế toán các doanh nghiệp
Văn bản pháp luật: Áp dụng thông tư 200/2014/TT – BTC
Đối tượng áp dụng:
Mọi doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực và các thành phần kinh tế đều có thể áp dụng Thông tư 200/2014/TT-BTC, kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ nếu có sự phù hợp về mặt kinh doanh và quản lý đều có thể áp dụng Thông tư này.
Những điểm cần lưu ý:
– Đối với hệ thống tài khoản kế toán:
- Từng tài khoản kế toán đều được quy định nguyên tắc cụ thể. Doanh nghiệp phải vận dụng và cụ thể hóa các tài khoản kế toán để phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh của đơn vị mình nhưng kết cấu và phương thức hạch toán phải tương ứng với Thông tư quy định
- Với các nghiệp vụ phát sinh nhập, xuất, thu, chi các tài khoản tiền, ngoại tệ, hàng tồn kho phải được ghi chép vào sổ kế toán liên tục mỗi ngày để phục vụ cho việc kiểm tra và đối chiếu
- Được thay đổi đơn vị ngoại tệ trong ghi sổ kế toán nhưng phải được thực hiện tại thời điểm bắt đầu niên độ kế toán. Tuy nhiên khi lập Báo cáo tài chính phải chuyển sang đơn vị ngoại tệ là Việt Nam Đồng. Cụ thể Thông tư quy định “Doanh nghiệp sử dụng ngoại tệ làm đơn vị tiền tệ trong kế toán thì đồng thời với việc lập Báo cáo tài chính theo đơn vị tiền tệ trong kế toán (ngoại tệ) còn phải chuyển đổi Báo cáo tài chính sang Đồng Việt Nam khi công bố và nộp Báo cáo tài chính cho cơ quan quản lý Nhà nước.”
– Đối với báo cáo tài chính:
- Kỳ lập Báo cáo tài chính: Các doanh nghiệp phải lập Báo cáo tài chính năm, Báo cáo tài chính giữa niên độ gồm Báo cáo tài chính quý (bao gồm cả quý IV) và Báo cáo tài chính bán niên theo quy định của Luật kế toán.
- Phần Thuyết minh báo cáo tài chính cũng có nhiều sự thay đổi, bổ sung các chỉ tiêu như: đặc điểm hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường; cấu trúc doanh nghiệp. Phần chính sách kế toán áp dụng phải chia ra chỉ tiêu cụ thể cho 2 trường hợp Doanh nghiệp đáp ứng giả định hoạt động liên tục và Doanh nghiệp không.
– Đối với sổ kế toán: Tùy thuộc vào đặc điểm hoạt động và quản lý sẽ xây dựng hình thức ghi sổ kế toán cho riêng mình nhưng phải đảm bảo phản ánh đầy đủ, kịp thời, dễ kiểm tra, kiểm soát và đối chiếu.
Chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp
Văn bản pháp luật: Áp dụng thông tư 107/2017/TT – BTC
Đối tượng áp dụng: Cơ quan nhà nước và đơn vị hành chính, sự nghiệp công lập
Trừ đơn vị hành chính sự nghiệp có hoặc không sử dụng ngân sách có hoạt động chi thường xuyên không phục vụ cho hoạt động của đơn vị sự nghiệp và chi đầu tư vào đơn vị tổ chức khác.
Những điểm cần lưu ý:
– Đối với chứng từ kế toán:
- Bắt buộc sử dụng thống nhất mẫu chứng từ kế toán quy định ở Thông tư và đơn vị không được sử đổi mẫu chứng từ đã ban hành
- Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh các nghiệp vụ kinh tế có thể thiết kế mẫu chứng từ.
– Đối với hệ thống tài khoản kế toán: Các loại tài khoản từ 1 đến 9 được hạch toán kép tương ứng giữa các tài khoản. Ngoài ra, còn có tài khoản ngoại bảng là tài khoản loại 0 được hạch toán đơn nhằm phản ánh các nghiệp vụ liên quan hoặc có nguồn gốc đến ngân sách nhà nước. Trong trường hợp nguồn ngân sách nhà nước cấp; nguồn viện trợ, vay nợ nước ngoài; nguồn phí được khấu trừ, để lại, kế toán phải hạch toán đồng thời các tài khoản trong bảng và ngoài bảng.
– Đối với sổ sách kế toán: Đối với đơn vị có tiếp nhận nguồn ngân sách nhà nước cấp, nguồn viện trợ, vay nợ nước ngoài, nguồn phí được khấu trừ, để lại phải mở sổ kế toán để theo dõi riêng.
Chế độ kế toán áp dụng đối với bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam
Văn bản pháp luật: Áp dụng Thông tư 177/2015/TT – BTC
Đối tượng áp dụng: Công ty Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
Những điểm cần lưu ý:
- Các khoản đầu tư đến ngày đáo hạn: các khoản tiền gửi có kỳ hạn, trái phiếu, tín phiếu và các khoản cho vay hỗ trợ các tổ chức tham gia nhằm phản ảnh tình hình tăng giảm chi tại trụ sở chính. Và phải mở sổ chi tiết cho từng đối tượng, từng kỳ hạn
- Ghi sổ kế toán theo giá gốc bao gồm giá mua cộng các chi phí liên quan đến việc đầu tư như chi phí giao dịch, môi giới, cung cấp thông tin, tư vấn, thuế, phí, lệ phí…